Archive Content

Please note: This page has been archived and its content may no longer be up-to-date. This version of the page will remain live for reference purposes as we work to update the content across our website.

Ngân hàng khối ASEAN cần quản lý rủi ro khí hậu tốt hơn để đảm bảo an ninh nguồn nước và lương thực trong khu vực

Posted on September, 06 2018

Nếu khu vực ASEAN muốn phát triển bền vững và có khả năng chống chịu tốt, các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ tích hợp đánh giá rủi ro Môi trường, Xã hội và Quản trị.
SINGAPORE, ngày 6 tháng 9 năm 2018 – Các ngân hàng lớn của ASEAN ngày càng nhận thức tốt hơn mức độ ảnh hưởng của đầu tư tài chính đối với các vấn đề môi trường và xã hội, nhưng chưa thực sự nắm bắt cơ hội để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và đầu tư vào ngành lương thực, năng lượng và hạ tầng cơ sở bền vững, một báo cáo gần đây của WWF cho biết.
 
Các nước ASEAN đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, là các yếu tố đang trầm trọng hóa những bất ổn về an ninh lương thực và nguồn nước trong khu vực. Nếu như không xem xét đến các yếu tố trên trong quá trình ra quyết định đầu tư, các ngân hàng có thể bỏ lỡ cơ hội mang tính đột phá đối với sự phát triển bền vững của khu vực và có thể phải chịu hoàn toàn các rủi ro khí hậu trong chính các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
 
Báo cáo được thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Quản trị, Thể chế & Tổ chức (CGIO) thuộc Khoa Kinh doanh của trường Đại học Quốc gia Singapore. Kết quả cho thấy các ngân hàng khối ASEAN không công bố cách họ quản lý rủi ro khí hậu theo khuyến nghị của Tổ công tác Đặc biệt về Công bố Thông tin Tài chính liên quan tới Khí hậu (TCFD). Trong số 34 ngân hàng được đánh giá, chỉ có 4 ngân hàng cho thấy họ có đánh giá các rủi ro và cơ hội liên quan tới khí hậu, một khuyến nghị quan trọng của TCFD. Trong khi đó, không có ngân hàng nào công bố việc họ rà soát các danh mục đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng như không công bố các danh mục đầu tư này có phù hợp với Thoả thuận Khí hậu Paris hay Mục tiêu Phát triển Bền vững không.
 
Bà Jeanne Stampe, Quản lý Chương trình Tài chính Bền vững châu Á cho biết: “Đây là một vấn đề tác động tới tất cả chúng ta. Rừng và các hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, qua đó, đảm bảo khả năng thích ứng trong chuỗi cung ứng lương thực của ASEAN. Các ngân hàng cần phải khẩn trương hành động để giải quyết các rủi ro do các hoạt động đầu tư gây ra như phá rừng hay rủi ro về nguồn nước, đồng thời phân bổ nguồn tài chính để chuyển đổi ngành lương thực, năng lượng và hệ thống cơ sở hạ tầng, hướng tới một tương lai bền vững.”
 
Báo cáo cho thấy các chính sách của nhiều ngân hàng về Môi trường, Xã hội và Quản trị (MT, XH & QT) còn yếu và thậm chí không được công bố. Điều này dẫn đến nhiều quan ngại về khả năng quản lý các rủi ro về MT, XH & QT của các ngân hàng.
 
Đối với các rủi ro cụ thể về Môi trường và Xã hội, chỉ có năm ngân hàng trong khối ASEAN thừa nhận rủi ro về phá rừng – một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu – trong các hoạt động của khách hàng và chỉ có hai ngân hàng thừa nhận rủi ro về nguồn nước. Phá rừng và an ninh nguồn nước là hai yếu tố chính ảnh hưởng tới ngành lương thực và nông nghiệp, do đó, an ninh nguồn nước và lương thực của khu vực thực sự rất đáng lo ngại.
 
Các ngân hàng Việt Nam cũng thể hiện một số chuyển biến tích cực với ngày càng nhiều ngân hàng hiểu được rằng các danh mục đầu tư của họ chính là yếu tố gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ cũng chưa công bố các chính sách và quy trình đánh giá MT, XH & QT. Điều này cho thấy, việc đánh giá MT, XH & QT chưa được ưu tiên trong hoạt động của các ngân hàng.
 
Bà Jeanne Stampe cho biết thêm “Đối với các nước ASEAN, để thực hiện được các cam kết về khí hậu và phát triển bền vững của quốc gia, các ngân hàng phải hành động tích cực hơn nữa. Họ cần phải phát triển và công bố chính sách và quy trình cụ thể đánh giá MT, XH & QT, bao gồm cả yêu cầu về bằng chứng khoa học khi đánh giá rủi ro MT, XH & QT. Ví dụ như, các ngân hàng nên áp dụng chính sách “không phá rừng”, hoặc quan tâm tới các rủi ro về nguồn nước mà các dự án họ đầu tư có thể gây ra. Một trong những giải pháp đó là yêu cầu khách hàng của họ cam kết quản lý nguồn nước bền vững.”
 
Các ngân hàng khối ASEAN phải định vị tốt hơn nhằm tận dụng và nắm bắt cơ hội to lớn được tạo ra trong thời gian chuyển đổi hướng tới một tương lai bền vững và phát triển các-bon thấp.
 
Báo cáo cho thấy các ngân hàng ASEAN đang tận dụng các cơ hội để ứng phó với biến đổi khí hậu và các nhu cầu về phát triển bền vững với 22 ngân hàng công bố họ có các sản phẩm tài chính xanh như phát hành trái phiếu xanh và các khoản cho vay liên quan tới các hoạt động bền vững. Tuy nhiên, các sản phẩm này sẽ không đủ để thực hiện được các mục tiêu của Thoả thuận Paris và Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.
 
Nếu khu vực ASEAN muốn phát triển bền vững và có khả năng chống chịu tốt, các ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ tích hợp đánh giá rủi ro MT, XH & QT, bao gồm các rủi ro do khí hậu, phá rừng và nguồn nước gây ra, vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình. Các ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính quá trình chuyển đổi ngành thực phẩm, năng lượng và hệ thống giao thông theo hướng bền vững tại ASEAN. Các nhà đâu tư có trách nhiệm cần đảm bảo các ngân hàng họ hợp tác cùng bắt kịp được xu thế này và cùng họ hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
Climate Finance
© Shutterstock / Leung Cho Pan / WWF